Kinh nghiệm học tiếng Anh: Những sai lầm của tôi! (Kỳ 2)
Sự thật hiển nhiên là dân Việt ta có cái tính tự ti. Sống cạnh một đế quốc lúc nào
cũng hù doạ, coi bốn cõi biên cương là man di mọi rợ, thì làm sao mà tránh khỏi
cái suy nghĩ “thân phận nghèo hèn”? Dù ta có bao lần tức khí, đứng lên đánh mấy
anh tàu phù ấy tơi tả nhưng trong lòng chắc hẳn có ấm ức
Kinh nghiệm học tiếng Anh: Những sai lầm của tôi! (Kỳ 2) Sự thật hiển nhiên là dân Việt ta có cái tính tự ti. Sống cạnh một đế quốc lúc nào cũng hù doạ, coi bốn cõi biên cương là man di mọi rợ, thì làm sao mà tránh khỏi cái suy nghĩ “thân phận nghèo hèn”? Dù ta có bao lần tức khí, đứng lên đánh mấy anh tàu phù ấy tơi tả nhưng trong lòng chắc hẳn có ấm ức. Kỳ 2: Tự ti Mà cái anh tàu ấy cũng giỏi thiệt chứ chẳng chơi, mấy anh mũi lõ cũng phải nể sợ nên chuyện ta có ngán họ cũng là lẽ thường tình. Bảo là không sợ thì mới là ngớ ngẩn!Sau lại đến anh Tây mũi lõ. Cái anh này còn tệ hơn nữa kia, coi cái giống da vàng mũi tẹt chỉ xứng dòng nô lệ. Man di thì còn được tha cho mà có cái tên, có vua, có quan cho nó xãnh xoẹ Đi chầu mỗi năm thì cái lỗ rún của thiên hạ ấy cũng run run rồi. Nô lệ thì khác gì trâu bò? Cái sự thông cảm ti chút của anh Tây thì hoàn toàn không có! Ta cứ như thế suốt thì sao không tủi, không than “tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” (Biết vậy mà cứ ca hoài!:) ). Có nổi máu con gà chọi thì: “Mấy lần đất nước đứng lên Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm!” Cái tự ti ấy là một điều rất tệ trong việc học tiếng Anh. Bạn làm sao có thể trao đổi nếu trong lòng bạn cứ đau đáu những câu hỏi: -Mình nói có sai không? -Phát âm của mình có nhà quê không? -Họ có khinh mình không? -Họ có thèm giúp mình không? và quan trọng hơn cả: Mình có vừa tầm để nói chuyện với họ không?!! Khi tôi mới sang Ý đi học ở ICTP tại Trieste. Chân ướt chân ráo, thấy ai tóc hoe hoe, mũi lõ lõ là tôi ngại lắm. Chỉ mong qua ngày học về phòng mình cắm đầu vào cái góc nhà, rồi nhớ thương “tôi yêu tiếng nước tôi” (từ khi mới sang cái xứ này)!!!! Tôi ngại lòi cái dốt của mình ra lắm lắm. Cái lỗi của tôi là, khi tự học tiếng Anh, tôi chỉ muốn dùng nó vào việc học chuyên môn của mình (toán). Tôi không hề nghĩ đến việc học phonetic (cách phát âm) hoặc conversation (đối thoại) cho nó ra hồn. Cứ nghĩ đấy là chuyện dở hơi. Đến khi nói, thiên hạ cứ ớ ra! Tại sao vậy? Tiếng Việt mình có dấu, tiếng Anh thì có nhấn. Cứ nói “Yeu thi yeu” thì làm sao biết được ý muốn nói “yêu thì yếu“? Thêm nữa, bạn có muốn nghe hay nói chuyện với một người mà cứ rù rà rủ rỉ, giọng cứ một điệu ngang ngang đều đều như tụng kinh hay đọc diễn văn không? Nói cũng là thuyết, ngữ điệu rất quan trọng. Thế là ngại nói vì sợ người ta cười. May là tôi không còn con sinh lộ nào khác, phải trơ mặt ra mà nói. Người ta không hiểu thì đánh vần (spell) ra rồi hỏi họ “How do you say it?”. Riết rồi nó cũng quen, mặt càng dầy ra những lưỡi ngày càng dẻo lại (hay tại cái xứ Ý ấy chẳng đào đâu ra nước mắm mà ăn, lưỡi bớt cứng?). Tôi cũng quay lại luyện cái phonetic của mình qua sách vở. Tuy nhiên, tôi thấy cái hay nhất là vẫn hỏi và nghe ông tây bà đầm nói rồi nhái theo. Mong rằng bạn sẽ không rơi vào cái thế thảm hại như của tôi, chỉ vì nhút nhát và tự ti mà khốn khổ như vậy. Bạn chắc sẽ bảo rằng vậy phải ra xứ người để gặp tây đầm rồi hãy luyện công cho nó mau. Nói vậy thì tủi thân các anh em tây ba lô lang thang ngoài phố quá! Phí lắm! Những người khách này là những nguồn học phonetic tuyệt vời mà cái thời của tôi không dám mơ đến. Thêm vào đó, họ đến VN với tư cách là khách, còn bạn là chủ nhà. Ai oai hơn ai? Họ chắc chắn muốn giao lưu với bạn để tìm hiểu về đất nước mình và họ muốn nói chuyện với bạn. Ở đây, tôi tin rằng họ không có cái anh ngọng như tôi thì họ cũng quay ra nói chuyện với người khác cho nó đỡ bực mình. Nói vui vậy thôi, kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng họ sẽ rất vui và tự hào khi được giúp đỡ một người muốn tìm hiểu cái thứ tiếng của họ.Tôi để ý thấy các sv Trung Quốc rất tự tin. Có thể một phần do họ tự hào về cái bề dày lịch sử của họ hoặc cái tư tưởng đại quốc đã ăn quá sâu vào đầu họ. Do đó, họ hoà nhập và ăn nói rất mạnh dạn. Khi họ có sự tự tin, dù có thể quá đáng, thì việc diễn tả ý tưởng của họ chắc chắn sẽ hay hơn ta nhiều. Vừa nói lại phải vừa gãi gáy! Tuy vậy, đa số người tàu phát âm kém hơn người Việt mình nhiều. Họ phải đánh vật với các âm “r”, “th”, “l” Còn ta thì không. Bạn thấy mình đã có lợi thế hơn chưa? Sự tự ti còn dẫn đến một điều dở nữa là nói nhanh. Bạn có thấy lạ không? Thật đấy, tôi ố gắng nói nhanh để lấp liếm cái sai của mình trong mỗi từ. Cái này nó ẩn trong tiềm thức mà sau này tôi mới ngộ ra. Người Mỹ rất ghét mấy anh Ấn độ vì họ nói cứ như súng đại liên bắn vậy đó! Dù rằng tiếng Anh của dân Ấn thì khỏi chê rồi. Tôi phải tập để nói chậm và rõ từng chữ, có sai thì họ sửa giùm. Mặt khác, khi họ nói chuyện với mình là họ muốn hiểu, muốn nghe. Mình không muốn họ hiểu (vì để dấu cái dở của mình) thì cứ quay mặt vào tường nói cho nó yên tâm.
File đính kèm:
- doc87_1833.pdf