Khảo sát nhận thức của sinh viên ngành tiếng Pháp đối với chuẩn đầu ra năng lực Tiếng Pháp
Nhận thức của sinh viên về cấu thành chung của chuẩn đầu ra còn hạn chế. Tuy tất cả sinh
viên được khảo sát đều liên hệ chuẩn đầu ra với năng lực ngôn ngữ và giao tiếp, nhưng nhận thức cụ
thể của sinh viên thì chưa đầy đủ. Một số đáng kể sinh viên năm 1 và năm 4 được khảo sát xác định
được chuẩn năng lực đang áp dụng cho sinh viên ngành tiếng Pháp tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại
học Huế nhưng vẫn còn con số không nhỏ sinh viên xác định sai bậc năng lực được chọn làm chuẩn.
Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về chuẩn
đầu ra.
KHẢO SÁT NHẬN THỨC CỦA SINH VIÊN NGÀNH TIẾNG PHÁP ĐỐI VỚI CHUẨN ĐẦU RA NĂNG LỰC TIẾNG PHÁP Phạm Thị Tuyết Nhung* Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế Nhận bài: 20/11/2019; Hoàn thành phản biện: 15/12/2019; Duyệt đăng: 28/04/2020 Tóm tắt: Nhận thức của sinh viên về cấu thành chung của chuẩn đầu ra còn hạn chế. Tuy tất cả sinh viên được khảo sát đều liên hệ chuẩn đầu ra với năng lực ngôn ngữ và giao tiếp, nhưng nhận thức cụ thể của sinh viên thì chưa đầy đủ. Một số đáng kể sinh viên năm 1 và năm 4 được khảo sát xác định được chuẩn năng lực đang áp dụng cho sinh viên ngành tiếng Pháp tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế nhưng vẫn còn con số không nhỏ sinh viên xác định sai bậc năng lực được chọn làm chuẩn. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về chuẩn đầu ra. Từ khóa: Chuẩn đầu ra, nhận thức, ngành tiếng Pháp 1. Mở đầu Trong khoảng 10 năm lại đây, cùng với việc triển khai dự án Giáo dục đại học giai đoạn I và II, chuẩn đầu ra trở thành một phần bắt buộc trong chương trình đào tạo bậc đại học tại Việt Nam. Các chương trình đào tạo được yêu cầu xây dựng nêu rõ đầu ra về nhận thức, kiến thức và kỹ năng nhằm đảm bảo đối tượng được đào tạo đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn đã được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng. Trong đào tạo ngoại ngữ, chuẩn đầu ra góp phần xác định được năng lực ngôn ngữ, bên cạnh kiến thức thái độ phù hợp của người sử dụng ngôn ngữ. Từ năm 2011, khi Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 được triển khai, các bậc năng lực từ A1 đến C1 (tương ứng với bậc 1 đến bậc 5 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) được sử dụng để áp cho chuẩn năng lực đầu ra cho các bậc học từ tiểu học đến đại học. Trong những năm qua trường Đại học Ngoại ngữ Huế đã xây dựng chuẩn đầu đầu ra theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (nay là Đề án Ngoại ngữ quốc gia, kéo dài đến 2025). Đồng thời kéo theo đổi mới chương trình, giáo trình phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Theo đó sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ theo chuẩn của chương trình đào tạo cần đạt cấp độ 5 (tương đương C1) khi hoàn thành chương trình. Cho đến thời điểm này sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp cần đạt đầu ra bậc 4 tương đương B2 khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ để có thể nhận được bằng tốt nghiệp đại học. Tuy có một số hội thảo nội bộ tại các trường đại học (Ví dụ Hội thảo về chuẩn đầu ra cho các ngoại ngữ tại trường Đại học Luật tháng 5 năm 2015 tại Hà Nội; Chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tháng 3 năm 2016) và Hội thảo quốc gia tại Quy Nhơn về chuẩn ngoại ngữ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức nhưng các hội thảo này chỉ mang tính chất trao đổi chưa có công trình nghiên cứu nào về nhận thức của sinh viên về các chuẩn đầu ra này do thời gian áp chuẩn còn khá mới mẻ (từ 2013 đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Anh và từ 2014 với sinh các ngành ngoại ngữ khác). Việc sinh viên là đối tượng được yêu cầu đáp ứng chuẩn có nhận thức được chuẩn đầu ra, vai trò, biểu hiện của chuẩn đầu ra hay không còn là vấn đề chưa được nghiên cứu. Tác động của việc đưa ra chuẩn lên hoạt động học tập của SV còn bỏ ngỏ và cần được nghiên cứu. Nghiên cứu nhận thức của sinh viên đối với chuẩn đầu ra mới áp dụng và các tác động của chuẩn này lên hoạt động học của sinh viên là hết sức cần thiết bởi nếu sinh viên có nhận thức phù hợp mới có thể xác định được chiến lược phấn đấu và rèn luyện nhằm đạt chuẩn đầu ra. Đồng thời phản hồi của sinh viên sẽ * Email: pttnhung@hueuni.edu.vn giúp cho đơn vị đào tạo điều chỉnh được lộ trình, tài liệu phương pháp giảng dạy hỗ trợ sinh viên đạt chuẩn. Thông tin về tác động của chuẩn đào tạo lên sinh viên Khoa Tiếng Pháp còn là cơ sở để có thể triển khai các chương trình tập huấn, các nội dung cố vấn, định hướng phù hợp cho sinh viên. 2. Cở sở lý luận 2.1. Chuẩn đầu ra Thuật ngữ chuẩn đầu ra (standards-based learning outcome) thường được hiểu nôm na là đầu ra mong đợi của người theo học một học phần, một chương trình đào tạo được gắn liền với một hệ quy chiếu làm rõ mức độ hiểu, nắm bắt, áp dụng kiến thức và kỹ năng của người học sau khi hoàn thành học phần, chương trình đào tạo (Adam, 2006). Chuẩn đầu ra mang tính bắt buộc và thường được sử dụng như một thang qui chiếu chung yêu cầu người học phải đạt được mới được xem là hoàn thành khoá học hay chương trình học. Các mô tả trong chuẩn đầu ra thường cụ thể, gắn liền với yêu cầu đo lường được đối với các minh chứng về năng lực người học. Tức là nói rõ người học có thể làm được gì, với ai, để làm gì ở mức độ nào. Chuẩn đầu ra tuy được mô tả súc tích nhưng cần được sử dụng như mục tiêu tối thượng, quan trọng nhất của chương trình đào tạo, là hệ qui chiếu của giáo viên khi họ quyết định tài liệu, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá. Chính vì thế, chuẩn đầu ra cần rõ ràng, minh bạch. Các mô tả về biểu hiện của chuẩn đầu ra cần có thể quan sát, đo lường được. 2.2. Nhận thức Khái niệm nhận thức được dùng rộng rãi trong khoa học xã hội đặc biệt là trong khoa học giáo dục, tâm lý học, nhân chủng học, triết học Cách hiểu phổ thông nhất của thuật ngữ này là sự tri nhận của con người, là quá trình nhìn nhận, hiểu, diễn dải, hình thành niềm tin, thái độ, nhận thức, cách phán xét đối với sự vật hiện tượng cụ thể (Silva, 2005). Trong nghiên cứu này nhận thức được hiểu là cách hiểu, kiến thức, cách diễn giải của khách thể là sinh viên đối với chuẩn đầu ra áp dụng cho chương trình đào tạo. 2.3. Chuẩn đầu ra trong giáo dục đại học Học chế tín chỉ gắn liền với việc sử dụng chuẩn đầu ra để xác định sinh viên biết và làm được gì khi hoàn thành chương trình đào tạo. Chuẩn trong giáo dục thường để xác định năng lực của sinh viên so với yêu cầu cần đạt đã được chuẩn hoá và hệ thống hoá chứ không nhằm để so sánh năng lực của sinh viên với nhau. Chuẩn trong giáo dục đại học được dùng như một điểm tham chiếu để lên kế hoạch xây dựng chương trình dạy, kế hoạch học tập cũng như cách thức (nội dung, phương thức, kế hoạch) kiểm tra đánh giá sinh viên. Chuẩn đầu ra giúp sinh viên xác định mục tiêu học tập cụ thể, từ đó xác định và liên tục điều chỉnh kế hoạch học tập, chiến lược học tập; điều đó chi phối toàn bộ các quyết định liên quan đến phương pháp học tập, tự rèn luyện, cách chọn tài liệu học tập để đạt chuẩn. Tương tự, chuẩn đầu ra giúp giảng viên hiểu rõ kiến thức, năng lực cần phát triển cho sinh viên và biểu hiện của các mức độ về kiến thức và năng lực này, từ đó lựa chọn điều chỉnh phương pháp, tài liệu giảng dạy phù hợp, giúp sinh viên đạt chuẩn (Stanovich & Stanovich, 2013). Trong giảng dạy ngoại ngữ, chuẩn đầu ra gắn liền với năng lực sử dụng ngôn ngữ mục tiêu của người học. Cụ thể là người học có thể làm được gì với kiến thức ngôn ngữ đã học. Ở Châu Âu năng lực ngoại ngữ trong đào tạo ngoại ngữ lại gắn liền với sự phổ biến của Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ của Hội đồng Châu Âu (CoE, 2001). Khung này được sử dụng rộng rãi không chỉ ở châu Âu mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á. 2.4. Tầm quan trọng của nhận thức của sinh viên về chuẩn đầu ra Chuẩn đầu ra được xây dựng phù hợp, được mô tả rõ ràng, gắn liền với các minh chứng cụ thể và đo đếm được thì người học có thể sử dụng chuẩn đầu ra như hệ tham chiếu để điều chỉnh hoạt động học của mình nhằm đạt được chuẩn đầu ra theo qui định. Nhận thức của sinh viên về chuẩn đầu ra, vì thế, có giá trị giúp sinh viên xác định được mục tiêu của việc học, xây dựng kế hoạch, chiến lược, phương pháp học tập phù hợp. Trái lại, nếu sinh viên không thể xác định đúng chuẩn đầu ra, không có khả năng hiểu được đặc điểm các yêu cầu cần đạt, minh chứng, thể hiện của năng lực cần đạt thì sẽ không xây dựng được phương pháp học tập phù hợp, không có khả năng nhận định năng lực hiện tại của mình, không thể so sánh năng lực hiện tại với năng lực cần đạt, do đó sẽ khó rèn luyện học tập để đạt chuẩn đầu ra. Chính vì vậy, việc sinh viên có nhận thức đúng và đầy đủ về chuẩn đầu ra gắn liền với chương trình học là hết sức cần thiết (Hall & Keynes, 2007). 2.5. Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ và chuẩn đầu ra trong giảng dạy ngoại ngữ Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) có tên đầy đủ là “Khung tham chiếu Châu Âu về ngôn ngữ: Học, dạy, và kiểm tra đánh giá” (Common European Framework of Reference for Languages: Learning, Teaching, Assessment) do Hội đồng Châu Âu (Council of Europe - CoE) phát hành và giới thiệu năm 2001. Từ khi ra đời đến nay, Khung CEFR đã được dịch ra 38 ngôn ngữ khác nhau và được sử dụng phổ biến nhất trong xây dựng chương trình, tài liệu dạy học, hoạt động khảo thí, định chuẩn năng lực giáo viên và áp chuẩn đào tạo về ngoại ngữ tại châu Âu và một số quốc gia bên ngoài lãnh thổ châu Âu (Capre và cộng sự, 2011; Piccardo, 2011; Buck, 2012; Rgoonaden, 2011; Vicario, 2011; Springer, 2010; Rosen, 2010, Alrabali, 2012). Khung CEFR vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu khi áp dụng vào thực tế giảng dạy, học tập và đánh giá năng lực ngôn ngữ ở nhiều nước trên thế giới. Đi kèm với sự ra đời của Khung CEFR, nhiều công cụ áp dụng khung này cũng được giới thiệu để sử dụng chủ yếu trong bối cảnh của châu Âu. Khung CEFR được tạo ra với mục đích chính là đẩy mạnh tính minh bạch và mức độ tiếp nối logic trong giảng dạy ngoại ngữ. Khung tham chiếu được xây dựng với mong muốn đáp ứng được mong mỏi có được một công cụ hỗ trợ, trước hết cho việc so sánh giữa các hệ thống bằng cấp và chứng chỉ ngôn ngữ khác nhau nhằm đẩy mạnh mức độ linh hoạt, năng động và khả năng luân chuyển trong sử dụng nhân lực lao động, đặc biệt là trong cộng đồng châu Âu. Khung CEFR được Hội đồng châu Âu kỳ vọng là một tài liệu tham khảo có giá trị đối với cả hoạt động dạy, học và đánh giá năng lực ngôn ngữ. Tức là hầu như tất cả các đối tượng trực tiếp quan tâm đến hoạt động dạy học ngoại ngữ như giáo viên, học sinh, nhà quản lý, chuyên gia xây dựng chính sách ngôn ngữ, nhà viết sách, chuyên gia xây dựng bài thi đánh giá năng lực cũng có thể sử dụng Khung CEFR như một nguồn tham chiếu hữu ích, nhất là trong quá trình xây dựng chương trình giảng dạy, cấp chứng chỉ văn bằng về năng lực ngôn ngữ và quá trình người học tự lên kế hoạch và điều chỉnh tiến độ, nội dung học tập của mình. 2.6. Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được phát triển trên cơ sở tìm hiểu điều chỉnh, ứng dụng Khung CEFR và hiệu quả ứng dụng khung này vào hoạt động dạy học, đánh giá tiếng Anh của các nước, kết hợp với việc nghiên cứu tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam (Phạm Thị Hồng Nhung, 2017). Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam trình bày rút gọn có điều chỉnh nhất định các nội dung sau từ Khung CEFR: các cấp và bậc năng lực ngoại ngữ, đặc tả cho mỗi kỹ năng ngôn ngữ và bảng tự đánh giá năng lực ngôn ngữ. Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được xem là tương thích với Khung CEFR. Các bậc năng lực từ 1 đến 6 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam lần lượt tương ứng với 6 bậc: A1, A2, B1, B2, C1 và C2 của Khung CEFR. 2.7. Chuẩn đầu ra của sinh viên Khoa Tiếng Pháp tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế Từ năm 2011, khi Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai, các bậc năng lực từ A1 đến C1 (tương ứng với bậc 1 đến bậc 5 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) được sử dụng để áp cho chuẩn năng lực đầu ra của các bậc học từ tiểu học đến đại học. Trong những năm qua, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã xây dựng chuẩn đầu đầu ra theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (nay là Đề án Ngoại ngữ quốc gia, kéo dài đến 2025). Đồng thời kéo theo đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Theo đó, sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ theo chuẩn của chương trình đào tạo cần đạt cấp độ 5 (tương đương C1) khi hoàn thành chương trình. Cho đến thời điểm này, sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp cần đạt đầu ra bậc 4, tương đương B2 của Khung CEFR để có thể nhận được bằng tốt nghiệp đại học. Trong tình hình chung về áp chuẩn, sinh viên chuyên ngữ tiếng Pháp tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế được áp chuẩn đầu ra C1/bậc 5, nhưng sau một thời gian thực hiện, với tình hình đầu vào thấp và không đồng đều, việc áp ngay chuẩn C1/bậc 5 làm đầu ra không khả thi nên hiện nay chuẩn tạm xác định là B2/bậc 4. Sinh viên chuyên ngữ tiếng Pháp có các đặc điểm sau: - Đầu vào không đồng nhất do có môn thi ngoại ngữ đầu vào khác nhau; - Có độ chênh lệch lớn trong năng lực; - Ít có cơ hội tiếp xúc với người nói tiếng Pháp ở bên ngoài môi trường lớp học (so với sinh viên các ngoại ngữ khác); - Có thể tiếp cận nguồn tài liệu học liệu hỗ trợ học tập tiếng Pháp tại trường nhưng nguồn học liệu này không thực sự dồi dào, chưa phong phú. Nguồn tài liệu hỗ trợ việc học tiếng chủ yếu được cung cấp từ Viện Pháp tại Huế (Institut français de Hué) Với chuẩn đầu ra cho đến thời điểm này của chương trình đào tạo tiếng Pháp của sinh viên chuyên ngữ tiếng Pháp là B2, chuẩn này được phân bố như sau: Học kì 1 năm 1: A1.1; học kì 2 năm 1: A1.2. Học kì 1 năm 2: A2, Học kì 2 năm 2: B1, Từ năm 3 đến năm 4: sinh viên vẫn tiếp tục học các môn chuyên ngành, thực hành tiếng nâng cao và lí thuyết bằng tiếng Pháp. Như vậy, về cơ bản vẫn tiếp tục có cơ hội sử dụng thực hành và nâng cao năng lực ngôn ngữ theo chuẩn, tự rèn luyện để đạt tới trình độ B2. Với các năm học trước đó (từ năm 1 đến năm 3), các bậc năng lực được rèn luyện cả trong các học phần kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) lẫn các học phần lý thuyết. Các chuẩn đầu ra tương ứng với mỗi học phần được mô tả trong mô tả học phần. Tương ứng với việc triển khai áp dụng chuẩn đầu ra này, tài liệu dạy học cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với việc triển khai chương trình với chuẩn mới. Giáo trình kỹ năng tiếng được đưa vào giảng dạy là sách Le Nouveau Taxi! 1, 2 và 3. Ngoài giáo trình chính này, giáo viên bổ sung thêm tài liệu ngoài được biên soạn theo chuẩn Delf, tương ứng với trình độ của môn học. Hoạt động kiểm tra đánh giá cũng thay đổi, với mục đích qua các học kỳ và học phần khác nhau cung cấp minh chứng về mức độ tiệm cận về năng lực của người học so với chuẩn đầu ra đã được xác định. Nghiên cứu nhận thức của sinh viên đối với chuẩn đầu ra mới áp dụng và các tác động của chuẩn này lên hoạt động học của sinh viên là là hết sức cần thiết bởi nếu sinh viên có nhận thức phù hợp mới có thể xác định được chiến lược phấn đấu và rèn luyện nhằm đạt chuẩn đầu ra. Đồng thời, phản hồi của sinh viên sẽ giúp cho đơn vị đào tạo điều chỉnh được lộ trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy nhằm hỗ trợ sinh viên đạt chuẩn. Thông tin về tác động của chuẩn đào tạo lên sinh viên Khoa Tiếng Pháp còn là cơ sở để có thể triển khai các chương trình tập huấn, các nội dung cố vấn, định hướng phù hợp cho sinh viên. Trong tình hình đó, đề tài nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định nhận thức của sinh viên Khoa Tiếng Pháp về chuẩn đầu ra và tác động của chuẩn lên hoạt động học, từ đó đưa ra các đề xuất kiến nghị hỗ trợ sinh viên và điều chỉnh chương trình, tài liệu, phương pháp phù hợp nhằm giúp sinh viên đạt chuẩn. 3. Phương pháp nghiên cứu 3.1. Khách thể nghiên cứu Khách thể là sinh viên Khoa Tiếng Pháp năm thứ 1 và năm thứ 4 trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Số khách thể được liên hệ và phát phiếu khảo sát là sinh viên năm thứ nhất là 78, số phiếu thu được và trả lời hoàn chỉnh là 71. Số khách thể được liên hệ và phát phiếu khảo sát là sinh viên năm thứ 4 là 54, số phiếu thu được và trả lời hoàn chỉnh là 53. Như vậy, khách thể chính thức của nghiên cứu là 71 sinh viên năm thứ nhất (K14) và 53 sinh viên năm thứ 4 (K11). Trong đó có 15 sinh viên nam và 109 sinh viên nữ. 109 sinh viên trong độ tuổi từ 17 đến 22 và 15 sinh viên từ 23 tuổi trở lên. Vào thời điểm khảo sát được tiến hành, khách thể là sinh viên năm thứ nhất đã hoàn thành xong 1 học kỳ đầu tiên trong chương trình đào tạo. Khách thể là sinh viên năm thứ tư đã hoàn thành 7 học kỳ của chương trình đào tạo, có 81 sinh viên chọn ngành Ngôn ngữ tiếng Pháp và 43 sinh viên chọn ngành Sư phạm. 3.2. Quy trình khảo sát Nghiên cứu sử dụng chủ yếu bảng hỏi. Khảo sát thu số liệu chính thức được tiến hành theo trình tự: khảo sát bằng bảng hỏi kết thúc trước khi tiến hành phỏng vấn. Khách thể phỏng vấn được chọn ngẫu nhiên trong nhóm khách thể trả lời bảng khảo sát. Thời gian phỏng vấn kéo dài từ 15 đến 25 phút mỗi khách thể. Thông tin được ghi chép để góp phần trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra. 4. Kết quả nghiên cứu Kết quả nghiên cứu về nhận thức của sinh viên Khoa Tiếng Pháp về chuẩn đầu ra năng lực tiếng Pháp được trình bày trong nội dung phần này. 4.1. Thời điểm sinh viên biết đến Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ Đại đa số sinh viên được khảo sát biết đến Khung tham chiếu chung châu Âu từ sau năm 2017. Trong đó, số lượng lớn nhất rơi vào sinh viên năm thứ nhất. Kết quả này dễ hiểu do đây là thời điểm sinh viên mới vào trường và bắt đầu chương trình học đại học. Tuy nhiên kết quả khảo sát còn chỉ ra có những sinh viên biết về Khung tham chiếu châu Âu trước khi nhập học tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Một điểm khác đáng lưu ý trong kết quả nghiên cứu là có tới 13 sinh viên cho đến thời điểm khảo sát vẫn chưa biết đến Khung tham chiếu chung Châu Âu, trong đó có 12 sinh viên năm thứ nhất và 1 sinh viên năm thứ 4. Một mặt chúng ta có thể suy luận như đã nói ở trên là do Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có độ tương thích với Khung tham chiếu chung châu Âu, các bậc năng lực của hai khung này là như nhau nên sinh viên chỉ cần có kiến thức về bậc năng lực của Khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đang được áp làm chuẩn đầu ra là đủ. Tuy nhiên như đã phân tích trong cơ sở lý luận, Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ đi kèm một hệ thống các cấu phần phong phú hỗ trợ hiệu quả việc học tập và nâng cao năng lực ngoại ngữ chứ không chỉ có cấu phần về bậc năng lực từ A1 đến C2. Ngoài ra, độ hoàn thiện, kể cả độ hoàn thiện trong mô tả các bậc năng lực của Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ cũng lớn hơn độ hoàn thiện của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Vì vậy, tuy số lượng không lớn nhưng việc vẫn còn có sinh viên chưa nắm được tài liệu gốc đầy đủ là cơ sở của bậc năng lực được chọn làm chuẩn đầu ra của bậc đào tạo là một hạn chế. 4.2. Thời điểm sinh viên biết đến Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Số liệu khảo sát cho thấy tất cả các sinh viên cả hai năm đều biết đến Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó tới 31 trong tổng số 53 sinh viên năm thứ 4 đã biết đến Khung này ngay từ khi học năm thứ nhất. Số lượng sinh viên năm tư được khảo sát còn lại (22) biết đến Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam lần lượt trong các năm 2015, 2016 và 2017. Do Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đến 2014 mới chính thức được ban hành nên kết quả này là đáng khích lệ. Đặc biệt trong tổng số 71 sinh viên năm thứ nhất thì có tới 32 sinh viên biết đến Khung trước khi vào trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. 4.3. Nhận thức về “chuẩn đầu ra ngôn ngữ” Theo kết quả điều tra thu được, có 43 sinh viên trong tổng số 124 sinh viên (34,7%) xác định đúng nội hàm của chuẩn năng lực ngoại ngữ cần đạt: Bậc năng lực phản ánh năng lực ngôn ngữ và kiến thức, thái độ của người sử dụng ngôn ngữ mà người học cần đạt vào thời điểm tốt nghiệp chương trình đào tạo. Điều này có nghĩa là tới 65,3% sinh viên chưa xác định chính xác và đầy đủ. Tuy sinh viên được khảo sát đều liên hệ chuẩn đầu ra với năng lực ngôn ngữ và giao tiếp, thể hiện trong việc 100% sinh viên chọn các mô tả đề cập tới nội hàm này và không có sinh viên nào chọn Khác, n
File đính kèm:
- khao_sat_nhan_thuc_cua_sinh_vien_nganh_tieng_phap_doi_voi_ch.pdf