Dạy - Học tiếng anh theo hướng tích cực - Nhân tố quan trọng để tạo nên lớp học hạnh phúc

Dạy học tích cực đã và đang trở thành xu hướng tiếp cận của giáo dục

hiện nay trên toàn thế giới. Dạy học tích cực xây dựng các mô hình lớp học hạnh phúc,

ở đó vai trò của người dạy và người học đã được thay đổi. Người học không còn tiếp

thu kiến thức một cách thụ động qua một kênh duy nhất là người dạy như trước đây mà

họ có thể tìm thấy thông tin họ cần qua nhiều kênh khác nhau và bằng nhiều cách khác

nhau. Trong bài viết này, chúng tôi bàn về dạy-học tiếng Anh theo hướng tích cực - nhân

tố quan trọng để đạt đến lớp học hạnh phúc, nơi mà người học, người dạy và những

người có liên quan cảm thấy hạnh phúc trong suốt quá trình hoạt động để đạt được kết

quả mong muốn. Đó cũng là đích đến của quá trình dạy-học tiếng Anh trong nhà trường

hiện nay.

pdf7 trang | Chia sẻ: hoa30 | Lượt xem: 989 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dạy - Học tiếng anh theo hướng tích cực - Nhân tố quan trọng để tạo nên lớp học hạnh phúc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
110
DẠY-HỌC TIẾNG ANH THEO HƯỚNG TÍCH CỰC 
- NHÂN TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ TẠO NÊN LỚP HỌC 
HẠNH PHÚC
Hồ Trịnh Quỳnh Thư1
Đoàn Phan Anh Trúc2
Tóm tắt: Dạy học tích cực đã và đang trở thành xu hướng tiếp cận của giáo dục 
hiện nay trên toàn thế giới. Dạy học tích cực xây dựng các mô hình lớp học hạnh phúc, 
ở đó vai trò của người dạy và người học đã được thay đổi. Người học không còn tiếp 
thu kiến thức một cách thụ động qua một kênh duy nhất là người dạy như trước đây mà 
họ có thể tìm thấy thông tin họ cần qua nhiều kênh khác nhau và bằng nhiều cách khác 
nhau. Trong bài viết này, chúng tôi bàn về dạy-học tiếng Anh theo hướng tích cực - nhân 
tố quan trọng để đạt đến lớp học hạnh phúc, nơi mà người học, người dạy và những 
người có liên quan cảm thấy hạnh phúc trong suốt quá trình hoạt động để đạt được kết 
quả mong muốn. Đó cũng là đích đến của quá trình dạy-học tiếng Anh trong nhà trường 
hiện nay.
Từ khoá: Dạy-học tích cực, Lớp học hạnh phúc, Đổi mới, Dạy-học tiếng Anh, 
Người học làm trung tâm
1. Mở đầu
Việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giảng dạy 
tiếng Anh ở các bậc học nói riêng đã được bàn thảo nhiều trong những năm qua, và cũng 
có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi người 
dạy và người học cần nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong quá trình dạy-học để 
người học có thể đạt được đích mong đợi, cũng như người học tiếng Anh đạt đích giao 
tiếp tiếng Anh hiệu quả dưới hình thức nói lẫn viết. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập 
đến người dạy trong lớp giảng dạy tiếng Anh cần nâng cao vai trò của mình trong việc 
xây dựng môi trường lớp học tích cực, tạo dựng hình ảnh qua cách hành xử tốt và đúng 
đắn trong lớp học, kết hợp vận dụng phương pháp dạy-học tích cực theo hướng phát triển 
năng lực người học. Người học cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lớp học để 
có tâm thái học tập tốt, loại bỏ những rào cản cả khách quan lẫn chủ quan để tự tin và 
bản lĩnh phát huy tính năng động, độc lập và sáng tạo. Bên cạnh đó, người học cần nhận 
thức vai trò chủ đạo của mình trong quá trình dạy-học: mưu cầu kiến thức, tự khám phá, 
tự tìm kiếm kiến thức. 
Dạy-học tích cực và lớp học hạnh phúc đính kết như móc xích tương quan trong 
1. TS, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Quảng Nam.
2. ThS, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Quảng Nam.
111
HỒ TRỊNH QUỲNH THƯ - ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
quá trình dạy-học. Dạy-học tích cực sẽ mang đến các lớp học hạnh phúc, đồng thời lớp 
học hạnh phúc là sản phẩm, kết quả phản ánh quá trình dạy-học tích cực.
2. Nội dung
2.1. Quan niệm về dạy-học
2.1.1. Quan niệm về dạy-học truyền thống
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về mô hình giáo dục truyền thống tuỳ thuộc vào 
từng nền văn hoá khác nhau ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong bài viết này, 
chúng tôi xem dạy-học truyền thống là quá trình dạy-học lấy người dạy làm trung tâm, ở 
đó, người dạy giữ vai trò “thống trị”. Dạy-học truyền thống diễn ra chủ yếu theo phương 
thức truyền thụ kiến thức một chiều từ người dạy sang người học. Nội dung kiến thức 
chủ yếu là những kinh nghiệm, kỹ năng, chuẩn mực đạo đức và hành vi xã hội được cho 
là cần thiết đối với người học [4]. Người học theo mô hình này hoàn toàn bị áp đặt, họ 
tiếp nhận thụ động những kiến thức được tích hợp trong sách thông qua các hoạt động 
truyền đạt của người dạy. Trong môi trường dạy-học truyền thống, mọi thứ đã được sắp 
xếp theo quy chuẩn từ chương trình, nội dung đến trật tự lớp học; người học phải tuân 
theo và không được phép thay đổi chúng.
Mô hình dạy-học truyền thống phù hợp với điều kiện đời sống xã hội chậm phát 
triển, ít thay đổi; ở đó, tương lai có thể được dự báo dựa trên kinh nghiệm và quan sát quá 
khứ hiện tại. Tuy nhiên, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tốc độ 
phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ phá vỡ tư duy dựa vào kinh nghiệm trước 
đây. Nó đòi hỏi con người phải liên tục cập nhật kiến thức, thay đổi nhận thức, năng động 
để thích ứng với nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Vì vậy, hoạt động dạy-học 
cũng phải thay đổi theo hướng hiện đại hơn, năng động hơn, tích cực hơn. 
2.1.2. Quan niệm về dạy-học tích cực
Bàn về quan niệm dạy-học trong thời đại công nghệ thông tin, tác giả Đặng Xuân 
Hải (2019) nêu quan niệm về học và dạy như sau.
“Học là quá trình tự biến đổi mình và làm phong phú mình bằng cách chọn nhập 
và xử lý thông tin lấy từ môi trường xung quanh.” Và “dạy là việc giúp cho người học tự 
chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng và hình thành hoặc biến đổi tình cảm, thái độ, có 
khả năng thực hiện những yêu cầu của cuộc sống dựa trên năng lực bản thân.” [5, tr.5]
Như vậy, dạy-học không đơn thuần là việc truyền thụ kiến thức hay cung cấp 
thông tin từ người dạy sang người học mà người học phải tự mình chiếm lĩnh kiến thức, 
kỹ năng cần thiết thông qua sự hướng dẫn, trợ giúp của người dạy. Qua cách tiếp cận 
này, người học không chỉ có được thông tin học thuật, kỹ năng nghề nghiệp mà còn 
được trang bị và phát triển các kỹ năng sống như tình thần lạc quan, tính dũng cảm, kiên 
cường, có chính kiến, biết quan tâm, Đây được xem là dạy-học tích cực.
AbuShaheen (2015) định nghĩa dạy-học tích cực là trang bị, rèn luyện sự khoẻ 
mạnh, mang lại hạnh phúc cho người học và các lực lượng khác. Dạy-học tích cực hướng 
đến thái độ tích cực của người học, cha mẹ người học và người dạy. Nói cách khác, đây 
112
DẠY - HỌC TIẾNG ANH THEO HƯỚNG TÍCH CỰC...
là mối quan hệ tích cực giữa ba bên trong quá trình dạy-học [1].
2.2. Lớp học hạnh phúc
Theo Aristotle, hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng của giáo dục [6]. Dạy-học tích cực 
không chỉ nhắm đến hạnh phúc của người học mà còn nhắm đến hạnh phúc của người 
dạy. Hạnh phúc của người dạy truyền cảm hứng, tạo ra hạnh phúc của người học, giúp 
người học tiếp cận và chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng trong hạnh phúc [8]. Nghiên cứu cho 
thấy các môi trường lớp học phát triển sức khỏe, hạnh phúc của người học không chỉ 
làm cho người học hạnh phúc hơn mà còn giúp chúng học tập tốt hơn và cải thiện tốt 
hơn hành vi của mình [12]. Như vậy, có thể nói, lớp học hạnh phúc là lớp học nơi mà 
cả người dạy và người học đều cảm thấy hạnh phúc trong vai trò của mình, tạo động lực 
đem lại hiệu quả tích cực cho quá trình dạy-học.
Mỗi môn học, bậc học có những nhân tố riêng đem đến hạnh phúc và thành công 
cho lớp học. Các lớp học tiếng nói chung, tiếng Anh nói riêng thường nhắm đến mục tiêu 
giao tiếp, xem đây là mục tiêu tối thiểu cần phải đạt được trong suốt quá trình dạy-học. 
Vì vậy, môi trường lớp học, phương pháp dạy-học, vai trò người dạy và người học cần 
phải thay đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu mục tiêu đó.
2.2.1. Môi trường lớp học 
Có thể nói rằng môi trường lớp học là một trong những nhân tố không kém phần 
quan trọng góp phần tạo nên thành công trong việc dạy-học. Lớp học là nơi diễn ra sự 
tương tác giữa người dạy và người học, và giữa những người học. Môi trường lớp học 
tích cực (positive classroom environment) là môi trường người học ưa thích, giúp lôi 
cuốn người học vào các hoạt động và làm cho người học thích thú khi tham gia các 
hoạt động. Người dạy không chỉ tạo ra môi trường lớp học vật chất (physical classroom 
environment) mà còn tạo ra một môi trường tâm lí cho lớp học (psychological classroom 
environment). Nếu môi trường vật chất giúp kích thích, thúc đẩy việc tham gia của người 
học vào các hoạt động dạy-học, thì môi trường tâm lí giúp giảm áp lực, giảm cảm giác 
sợ và tự ti của người học trong trường hợp phạm lỗi; ví dụ như lỗi phát âm, ngữ pháp,... 
khi người học thực hành kỹ năng nói tiếng Anh. Như vậy, người học sẽ thích thú, năng 
động và hợp tác khi tham gia vào các hoạt động dạy-học. Mak (2011) chia sẻ, môi trường 
lớp học được ưa thích có lợi cho việc giao tiếp, xua tan nỗi sợ hãi khi người dạy hay bạn 
cùng cặp/nhóm chưa đánh giá tốt, hay bản thân người học tự đánh giá chưa tốt về mình, 
xua tan những thái độ tiêu cực trong lớp học nói chung, lớp học tiếng Anh nói riêng [7, 
tr.210]. 
Xây dựng môi trường lớp học ưa thích bao gồm môi trường lớp học vật chất, môi 
trường lớp học tâm lí, thái độ và cách hành xử của người dạy trong lớp học.
2.2.1.1. Môi trường lớp học vật chất
Môi trường lớp học vật chất (physical classroom environment) là lớp học được 
thiết kế sao cho người học cảm thấy thú vị hơn, có ý nghĩa hơn và tương xứng hơn. Đây 
là điều kiện tiên quyết giúp người học tập trung hơn và đạt đích giao tiếp ngôn ngữ cao 
113
HỒ TRỊNH QUỲNH THƯ - ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
và hiệu quả hơn. Vì vậy người dạy phải suy nghĩ bố trí sắp xếp lớp học phù hợp với từng 
hoạt động. Ví dụ, đối với hoạt động đòi hỏi người học phải di chuyển, người dạy sắp xếp 
bàn theo sơ đồ hình chữ U để người học dễ dàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác 
hoặc đi vòng quanh lớp. Đối với hoạt động thảo luận, lớp học nên được tổ chức theo dạng 
hình tròn hoặc hình chữ U. Đối với hoạt động nhóm, người dạy phải sắp xếp bàn thành 
các nhóm sao cho người học tương tác mặt đối mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo 
luận. Đối với hoạt động cá nhân, bàn sắp xếp thành các dãy. Bên cạnh đó, người dạy cần 
chú ý đến nhiệt độ, ánh sáng và âm thanh trong phòng. Những yếu tố này cũng tác động 
trực tiếp đến từng người học. Nhiều người học không thể tập trung hoặc tập trung lâu 
được nếu nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, ánh sáng không đủ hoặc âm thanh quá lớn. 
Vì vậy người dạy nên điều chỉnh môi trường lớp học phù hợp với người học để người 
học có thể thực hiện hoạt động học tốt hơn. Hơn nữa, người dạy cũng nên bày bố tranh 
ảnh trang trí, tranh ảnh phục vụ cho lớp học tạo môi trường kích thích, cuốn hút việc học. 
2.2.1.2. Môi trường lớp học tâm lí
Môi trường lớp học tâm lí (psychological classroom environment) là môi trường 
mà ở đó cả người dạy lẫn người học tôn trọng ý kiến lẫn nhau để đạt được kết quả như 
mong muốn. Người học mong đợi người dạy tạo ra một bầu không khí lớp học thân 
thiện, nơi người học có thể tận dụng tư duy và khả năng sáng tạo để thể hiện quan điểm 
và tự khẳng định mình. Đây là môi trường lớp học tích cực mà người học sẵn sàng nói 
ra điều mình nghĩ, lập luận những vấn đề các em cho là hợp lí, ngay cả những quan điểm 
trái ngược với bạn bè hay trái ngược với người dạy; do đó các em không cảm thấy xấu 
hổ hay bế tắc trong việc tự thể hiện mình. Trong môi trường dạy-học như vậy, người học 
không bị áp đặt nên thuận lợi cho việc phát triển kỹ năng và năng lực ngôn ngữ. Chính 
người dạy trong môi trường tâm lí sẽ giúp người học xóa đi mặc cảm, tự ti trước bạn bè 
để trở nên năng động, tích cực và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động của bài học.
2.2.1.3. Thái độ và cách hành xử của người dạy trong lớp học
Thái độ và cách xử sự của người dạy cũng là nhân tố quyết định trong môi trường 
tâm lí. Trong môi trường này, người dạy thể hiện với người học không như một người 
thầy mà với tư cách người bạn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và niềm tin với người học. Vì 
vậy người học sẽ cởi mở, tự tin trong hoạt động giao tiếp, xóa đi cảm giác sợ thầy hay 
nhút nhát và tự ti - đây là những rào cản lớn dẫn đến thất bại trong việc học tiếng Anh. 
Cách hành xử của người dạy sẽ xóa dần những hạn chế đó, mang lại những giá trị thiết 
thực cho người học trong việc học. Chẳng hạn, người dạy động viên khuyến khích các 
em khi các em mắc lỗi trong viết hoặc nói tiếng Anh, hay khi trả lời sai. Thay vì chê thì 
người dạy nên tìm một ưu thế nào đó để khen, không nên sửa sai trực tiếp; thay vào đó 
người dạy có thể đưa ra các ví dụ khác, hoặc đưa ra các tình huống khác nhau để người 
học tự nhận ra lỗi và tự sửa lỗi. Kết quả, người học có trạng thái tâm lí rất thoải mái, 
không bị áp lực trong khi học. 
2.2.2. Phương pháp dạy và vai trò của người dạy 
Mỗi chúng ta đều nhận thức tầm quan trọng của phương pháp dạy trong quá trình 
114
DẠY - HỌC TIẾNG ANH THEO HƯỚNG TÍCH CỰC...
dạy-học, góp phần mang lại thành công cho quá trình dạy-học nói riêng và đạt chất lượng 
giáo dục nói chung. Tuy nhiên, dạy tốt không chỉ là kết quả của việc sử dụng phương 
pháp dạy thích hợp, mà còn là kết quả điều hành, quản lí quá trình dạy-học chủ động 
của người dạy. Lớp học là nơi diễn ra sự tương tác năng động giữa người dạy và người 
học thể hiện rõ mục tiêu hướng dẫn lớp học của người dạy; mục đích học của người học; 
nhiệm vụ của lớp học và các hoạt động của người học trong lớp học; cách hành xử của 
người dạy trong lớp; thái độ và cách ứng xử của người học trong việc tham gia để hoàn 
thành các nhiệm vụ được giao, và để đạt được chuẩn kiến thức. Cách thức điều hành, 
quản lí lớp của người dạy còn thể hiện rõ rằng người dạy không thể dạy cho người học 
kiến thức như một người thầy đã tích lũy, mà người dạy nên dạy cho người học cách tư 
duy, lập luận, tìm kiếm kiến thức và tự học để chiếm lĩnh được kiến thức và kỹ năng cần 
có. Người dạy dạy cho người học cách chọn lựa cái gì quan trọng để học. Đó là phương 
pháp dạy học tích cực mà người học sẽ chủ động trong việc tiếp nhận và lĩnh hội kiến 
thức cũng như phát triển khả năng phân tích và lập luận. Nhà sử học William Robertson 
đã nói: “Mục đích chân chính của bất kì ai khao khát làm thầy không phải là truyền đạt 
kiến thức của mình, mà là khơi dậy tư duy” (The true aim of everyone who aspires to be 
a teacher should be, not to impart his own opinions, but to kindle minds.)
Theo hướng phát triển năng lực người học thì dạy-học theo hướng phân tích tính 
(analytic teaching) của Wilkins cũng là một lựa chọn tối ưu [3, tr.195]. Qua phương pháp 
này, người học được giao thực hiện nhiệm vụ phân tích nguồn ngôn ngữ đã được nhận 
để tự lĩnh hội, hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực giao tiếp ngôn ngữ. 
Cũng theo hướng này, cách người dạy nhìn thấy vai trò, nhiệm vụ của mình trong 
quá trình dạy-học có ý nghĩa quan trọng. Richard (1990) đã liệt kê một số vai trò và 
nhiệm vụ mà người dạy tìm thấy chính mình trong lớp học tiếng Anh [10, p.12]. Người 
dạy thể hiện vai trò của mình:
- với tư cách là một người giám sát việc học của người học (monitor of student 
learning) 
- với tư cách là người tạo động lực (motivator) 
- với tư cách là người tổ chức và kiểm soát hành vi của người học (organizer and 
controller) 
- với tư cách là người cung cấp mô hình ngôn ngữ chuẩn xác (provider of accurate 
language models)
- với tư cách là người tư vấn, và là một người bạn (counselor and friend)
- với tư cách là người phân tích nhu cầu (needs analyst)
- với tư cách là người đánh giá (evaluator)
Khi giao cho người học vai trò chủ động tiên quyết trong lớp học, người dạy đòi hỏi 
phải đảm nhận vai trò khác. Breen và Candlin (1980) đưa ra 3 vai trò của người dạy; một 
là người dạy thực hiện nhiệm vụ như người tạo điều kiện thuận lợi (facilitator) cho quá 
trình giao tiếp. Hai là người dạy thể hiện vai trò như một người tham gia (participant). 
115
HỒ TRỊNH QUỲNH THƯ - ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
Ba là người dạy thực hiện nhiệm vụ như một người quan sát và như một người học 
(observer and learner) [9, tr.87].
Những quan điểm này về người dạy được áp dụng cho lớp học giao tiếp hướng dạy 
học tích cực. Theo hướng này, người học đóng vai trò năng động, sáng tạo hơn. 
2.2.3. Vai trò của người học 
Trong dạy-học tích cực thời đại 4.0 đòi hỏi người học đóng vai trò chủ đạo trong 
quá trình dạy-học. Rubin và Thompson (1982) cho rằng người học cần thích ứng, sáng 
tạo, khám phá và độc lập [11]. Ngoài ra, người học cần tự tin, có động lực, khả năng quan 
sát trong kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức và có kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ. Tất cả 
đều quan trọng, trong đó cần đề cao tính tự tin, có động lực, sáng tạo và độc lập. Những 
đặc tính này giúp các em tham gia tích cực vào quá trình dạy-học. Bên cạnh đó, cần chú 
trọng đến thái độ và hành vi học tập của người học. Người học cần nghiêm túc với bản 
thân, với nhiệm vụ học tập và có thái độ học tập tích cực, hành vi tốt đối với lớp học, bạn 
bè và thầy cô giáo. Tất cả yếu tố nêu trên sẽ tạo ra môi trường học tập tích cực, lớp học 
hạnh phúc, mang lại hiệu quả cao trong học tập. 
3. Kết luận 
Trái với quan niệm dạy-học truyền thống, nơi người dạy được xem là trung tâm 
của quá trình dạy-học, dạy-học tích cực tập trung vào người học, quan tâm không chỉ 
kiến thức, kỹ năng mà còn thái độ, tình cảm của họ. Môi trường dạy-học tích cực đề cao 
lớp học hạnh phúc, ở đó, người học, người dạy và những người có liên quan trong quá 
trình dạy-học này đều cảm thấy hạnh phúc. Với lớp học hạnh phúc, người học được tạo 
mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, vượt qua các rào cản tâm lý để tự mình lĩnh hội 
tri thức, rèn luyện kỹ năng, phát huy sáng tạo, phát triển tư duy và điều chỉnh thái độ. Vì 
vậy, trong môi trường dạy-học tích cực, vai trò của người dạy và người học cũng được 
sắp xếp lại. Người dạy từ vị trí của một thống lĩnh với nhiệm vụ truyền đạt tri thức ở các 
lớp học truyền thống chuyển thành người tổ chức, giám sát, hướng dẫn và truyền cảm 
hứng để người học tự chiếm lĩnh tri thức trong các lớp học hạnh phúc. Người học từ chỗ 
thụ động thu nhận thông tin thông qua người dạy chuyển sang vị trí của người chủ động 
tìm tòi, khám phá và lĩnh hội thông tin. Chính sự năng động hoạt động trong dạy-học tích 
cực giúp người học can đảm, kiên cường, lạc quan, tự tin, thích khám phá, năng động, 
sáng tạo; giúp hình thành thói quen tự học, tự hoàn thiện bản thân ở người học. Đây là 
điều các lớp tiếng Anh đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả dạy-học tiếng Anh trong 
nhà trường hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] AbuShaheen, M. (2015), Positive Education - An Introduction, Available at doi: 
10.13140/RG.2.1.4919.6242
[2] Brumfit, C.J., Johnson, K., (1979), The Communicative Approach to Language 
Teaching, Oxford: Oxford University Press.
116
DẠY - HỌC TIẾNG ANH THEO HƯỚNG TÍCH CỰC...
[3] Dewey, J. (1997). Experience and education. Touchstone, USA.
[4] Đặng Xuân Hải (2019), Tài liệu Lý luận và phương pháp dạy học với bậc đại học, 
ĐHĐN.
[5] Kristjansson, K. (2012), “Positive Psychology and Positive Education: Old Wine 
in New Bottles?”, Educational Psychologist, 47(2), 86-105, Available at doi:10.1
080/00461520.2011.610678
[6] Mak, B. (2011), “An exploration of speaking in class anxiety with Chinese ESL 
learners”, System 39, 202-214. 
[7] Noddings, N. (2003), Happiness and Education, Cambridge: Cambridge University 
Press.
[8] Nunan, D. (1988), Designing Tasks for the Communicative Classroom, Cambridge: 
Cambridge University Press.
[9] Richards, J.C. (1990), The Language Teaching Matrix, Cambridge: Cambridge 
University Press.
[10] Rubin, J., Thompson, I. (1982), The Good Language Learner, Boston Mass: 
Heinle and Heinle.
[11] Cowbur, A., Blow, M. “Wise Up: Prioritising wellbeing in schools. YoungMinds”, 
https://youngminds.org.uk/media/1428/wise-up-prioritising-wellbeing-in-
schools.pdf
Title: ENGLISH TEACHING AND LEARNING AT THE POSITIVE 
APPROACH - KEY FACTORS TO REACH HAPPY CLASSES
HO TRINH QUYNH THU
DOAN PHAN ANH TRUC
Quang Nam University
Abstract: English teaching and learning is becoming the global trend of education 
nowadays. According to this trend, the models of happy classes where teachers’ and 
learners’ roles have changed are built. Learners have not passively received the 
knowledge from their teachers anymore, but there are several channels and ways for 
them to get information and knowledge they need to develop their abilities and skills. In 
this paper, we discuss positive English teaching and learning, some key factors to reach 
happy classes where teachers, learners and concerned people feel happy during the 
teaching and learning process for its final purposes.
Key words: Positive teaching and learning, Happy classes, Innovation, English 
teaching and learning, Learner-centered approach

File đính kèm:

  • pdfday_hoc_tieng_anh_theo_huong_tich_cuc_nhan_to_quan_trong_de.pdf
Tài liệu liên quan